Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2015

Tác hại của tia cực tím và các câu hỏi thường gặp về kem chống nắng

Nói về tác hại của kem chống nắng thì điều trước nhất ai cũng cần phải biết phân biệt từng loại tia cực tím và cùng xem tác hại "đáng gờm" của từng loại thế nào nhé.



Tia cực tím (hay tia UV) có mấy loại?



Tia cực tím UV có 3 loại chính: UVA, UVB và UVC.



UVA
Có bước sóng dài, có khả năng gây tổn thương sâu đến lớp hạ bì, hủy dần lượng vitamin A có trong da (mà vitamin A có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc làm chậm quá trình lão hóa cũng như việc hình thành nám, tàn nhang,...), lâu ngày tiếp xúc sẽ gây đứt dãy các sợi collagen trên da, thậm chí nặng hơn còn làm thay đổi cấu trúc da và gây ung thư da. Theo thời gian, UVA sẽ làm da nhăn nheo, nhão và chảy xệ. 
UVA luôn hiện diện bất kể mùa nào trong năm, cho dù trời nắng hay không, thậm chí khi thời tiết râm mát tia UVA còn hoành hành mạnh hơn, khiến da bị lão hóa sớm hơn đó cả nhà ạ. UVA xuyên được qua kính và qua vải nên che chắn không thôi là chưa đủ.

UVB
Có bước sóng ngắn hơn UVA, tác động vào lớp biểu bì, là tác nhân chính gây cháy nắng, đen da, sạm da và là tác nhân gây lão hóa da. UVB có cường độ cao nhất từ 10h đến 14h trong ngày, và mạnh nhất vào mùa hè. UVB không xuyên qua được kính nhưng có thể phản xạ qua kính và mặt nước. Thế nên, ngay cả khi chúng mình chọn một bóng cây râm mát cạnh hồ vẫn bị tia UVB ngăm nghe làm cháy nắng và ung thư da đó ạ.
Tác động của tia UVA, UVB tới từng lớp da




UVC
Có khả năng gây ung thư cao nhất nhưng bị tầng ô zôn hấp thụ và phản xạ nên không đến được mặt đất. Tuy nhiên hiện tại có nhiều nơi tầng ô zôn bị thủng hoặc bị mỏng thì nguy cơ từ UVC là rất lớn.


Tác hại của tia cực tím đó, còn nếu vẫn nhất quyết không dùng kem chống nắng thì hậu quả thế nào các bạn nhìn hình ảnh là rõ nhất rùi đó!


Without sunscreen


Sau đây là những câu hỏi thường gặp về kem chống nắng:

Kem chống nắng hóa hóa học và vật lý khác nhau không? 


- Khác nhau về thành phần
Kem chống nắng VẬT LÝ bao giờ cũng có 2 thành phần chính là Zinc Oxide và Titanium dioxide
Kem chống nắng HÓA HỌC thường có các thành phần sau: Avobenzone, Octinoxate,  Oxibenzone,...

- Khác nhau về cách hoạt động
Kem chống nắng Vật lý: hoạt động giống như 1 tấm "khiên", bảo vệ da khỏi các tia UVA, UVB bằng cách phản xạ, phản chiếu lại các tia UVA, UVB khi những tia cực tím này vừa "chạm" tới da.
Kem chống nắng Hóa học: bảo vệ da bằng cách hấp thụ tia UVA, UVB. Cách hoạt động thì có thể tưởng tượng nó như 1 tấm màn (screen) hấp thụ tia UVA, UVB, khóa những tia này lại không cho tia tử ngoại làm hại da.


Sự khác nhau của kem chống nắng vật lý và kem chống nắng hóa học
Kem chống nắng hóa học hay vật lý tốt hơn?
Để mà so sánh cái nào tốt hơn, cân đong đo đếm cái nào tốt thì cũng rất khó để mà có câu trả lời chính xác. Điều quan trọng là phải cân nhắc xem loại nào phù hợp với bản thân nhất.
Các bạn cùng Nấm xem mỗi loại có ưu và nhược điểm gì nhé:

Sunblock vs Sunscreen (kem chống nắng vật lý và hóa học)

Ai nên dùng kem chống nắng? Độ tuổi nào có thể bắt đầu dùng kem chống nắng?

Bất kì ai cũng rất rất cần và nên dùng kem chống nắng hàng ngày. Trẻ em trên 6 tháng tuổi là có thể dùng kem chống nắng dành cho baby được rồi (đấy là theo khoa học chứng minh rồi nhé). Nhưng Nấm vẫn lưu ý các mẹ có con nhỏ là trẻ DƯỚI 6 tháng tuổi không nên tiếp xúc với ánh nắng bởi da bé lúc này vẫn còn khá non nớt và nhạy cảm các thành phần có trong kem chống nắng cũng như là với tia cực  tím. Để các bé dưới 6 tháng tuổi ở dưới bóng râm, mát mẻ, và lấy áo hoặc vải che chắn là cách tốt nhất bảo vệ bé khỏi những tác hại từ ánh nắng mặt trời rồi.

Nên chọn loại kem chống nắng có chỉ số SPF cao hay thấp?

Câu trả lời còn tùy thuộc vào việc bạn tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng nhiều hay ít. Tất nhiên là chỉ số PA càng cao (tức dấu cộng sau chữ PA) càng cao càng tốt rồi, vấn đề mọi người vẫn quan tâm là chỉ số SPF. 
Và đây là cách mà Nấm vẫn áp dụng:

- Mùa đông: Thời tiết không quá gay gắt, nắng nhẹ thì Nấm dùng kem chống nắng có chỉ số khoảng SPF35 trở xuống. Thậm chí nếu sản phẩm kem dưỡng hoặc đồ make-up của Nấm có chỉ số SPF 15 rồi nhưng Nấm vẫn dùng kem chống nắng riêng trước các bước trang điểm. Thỉnh thoảng retouch (dặm lại) phấn phủ có SPf 15 là ổn cho cả ngày rồi :)

- Mùa hè: do khí hậu Việt Nam là nhiệt đới gió mùa. Thực sự là những ngày nắng ở miền Bắc rất rất khủng khiếp ạ. Thế nên, Nấm luôn dùng kem chống nắng riêng có chỉ số SPF cao hơn, ít nhất là SPF 50+ và PA 3 đến 4 cộng.

Khi đi bơi, chơi thể thao, hoạt động ngoài trời nhiều thì nên chọn kem chống nắng nào?

Những lúc như vậy, chúng mình cần 1 loại kem chống nắng "nặng đô" hơn ngày thường. Mỗi lúc mà chuẩn bị đi bơi hay du lịch, đi bộ nhiều và ra mồ hôi, thì Nấm vẫn phải sắm ngay 1 em chống nắng chống thấm nước (waterproof/water resistant), loại chuyên dành cho đi biển (beachwear-type) hoặc dành cho chơi thể thao (thường có chữ sport/ water resistant/ very water resistant trên bao bì sản phẩm). Tuy nhiên, khi xuống nước hoặc ra mồ hôi nhiều các bạn cần bôi lại kem chống nắng sau 40-80 phút tuỳ từng loại kem chống nắng.




Ở trong nhà, trong văn phòng, trong lớp học cả ngày có cần phải thoa kem chống nắng không?

Rất nhiều bạn chia sẻ với mình rằng thường xuyên ở trong văn phòng, ở nhà, ở lớp, cả ngày tính ra chỉ ra ngoài có 5 phút nên không dùng kem chống nắng vì nghĩ là như vậy da không tiếp xúc với nắng. Ôi không! Nguyên nhân da sạm, nám và không đều màu là ở chính đây chứ đâu! Các bạn nên nhớ rằng, ngay cả khi bạn ở trong nhà, trong phòng thì tia cực tím vẫn ghé vào thông qua các loại cửa. Cửa kính ở văn phòng, ở ô tô, cửa sổ ở nhà, ở lớp,... chỉ ngăn được tia UVB có bước sóng ngắn, chứ không chặn được tia UVA có bước sóng dài đâu ạ. Các bạn nên nhớ, tia UVA chính là thủ phạm gây lão hoá, ung thư da, nám và tàn nhang về lâu về dài, chứ không nhìn thấy hậu quả ngay và luôn như tia UVB.
Hơn nữa, việc tiếp xúc với đủ các loại tia gây hại cho da từ máy tính, điện thoại cũng không hề tốt cho da. Thế nên, 1 lần nữa Nấm xin nhắn nhủ, và cảnh tỉnh các bạn nhất thiết phải thoa kem chống nắng hàng ngày!

Có cần bôi lại kem chống nắng trong 1 ngày không?




Câu trả lời là tuỳ thuộc việc bạn tiếp xúc với nắng thế nào, có đổ dầu và mồ hôi không. Các bạn tưởng tượng khi bôi kem chống nắng cả ngày như thế, mồ hôi, dầu tiết ra làm trôi kem chống nắng đi ít nhiều, chưa kể thời gian lâu kể từ lúc thoa kem cũng khiến kem chống nắng mai một đi khả năng ít nhiều. Chính vì thế, cần phải bôi lại kem chống nắng sau 2-3 tiếng tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, chứ không phải tính từ lúc bôi kem đâu ạ, mà tính tổng khoảng thời gian bạn tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời ạ.

Đối với các bạn thường xuyên ở nhà, trong văn phòng, trong phòng có điều hoà cả ngày, không bị ra mồ hôi nhiều. Chỉ có tiếp xúc với ánh nắng mặt trời từ lúc đi từ nhà đến văn phòng, từ văn phòng đến nhà ăn, và từ chỗ làm về nhà, thì không cần thoa lại vì với thời gian tiếp xúc với nắng quá ít, cả ngày không ra mồ hôi thì với lượng kem bôi lúc sáng là đủ chống chọi cho cả ngày rồi đây!

Nấm mới tổng hợp được chừng ấy thắc mắc từ bạn đọc.  Nếu có bất kì câu hỏi nào, đừng ngần ngại comment phía dưới để chúng mình cùng thảo luận và Nấm sẽ bổ sung thêm vào bài viết nếu thấy hợp lý. Chúc các bạn đọc của Nấm luôn xinh!







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét